Tel: 450 442-3292

E-mail:

[email protected]




LIÊN LẠC

[email protected]









của

LÊ VĂN KHOA







Bài nói chuyện của Phạm Phú Minh

Phạm Phú Minh

Thưa quý vị, Không phải đợi đến cuối thế kỷ 20 với hiện tượng toàn cầu hóa thì ảnh hưởng của Tây phương mới tràn ngập khắp trái đất. Ảnh hưởng ấy đã có khắp nơi từ lâu, và riêng trên đất nước ta thì bắt đầu từ đầu thế kỷ 20, với sự đô hộ của người Pháp văn hóa Tây phương bắt đầu xâm nhập đời sống Việt Nam ngày càng rõ rệt. Đến thập niên 30 của thế kỷ trước thì những ảnh hưởng ấy bắt đầu đơm bông kết trái về phương diện văn học nghệ thuật, và nếu xét riêng về lãnh vực âm nhạc thì dân tộc chúng ta đã bước vào một khúc ngoặt rất lớn: người Việt Nam bắt đầu sáng tác nhạc theo phương pháp và nhạc lý Tây phương, từ đó nhạc Việt tự nhiên được ra làm hai loại: cổ nhạc và tân nhạc. Nếu muốn có một con số tròn thì có thể nói nền tân nhạc của chúng ta nay đã được 70 tuổi.

Các ca khúc Việt Nam được sáng tác trong 70 năm qua đã nhanh chóng đi từ thời kỳ phôi thai đến chỗ trưởng thành, và tuy sinh ra từ phương pháp nhạc Tây nhưng có lẽ ngoài sự bở ngỡ lúc ban đầu, về sau ai cũng coi đó là nhạc Việt Nam, do người Việt Nam sáng tác và người Việt Nam đàn hát, đến nỗi nếu bây giờ có ai nói nhạc đó bắt nguồn từ ảnh hưởng Tây phương, nhiều người sẽ phản đối kịch liệt. Quả thật, với phương pháp nhạc lý Tây phương chúng ta đã có được một sự nghiệp nhạc Việt rất đồ sộ.

Nhưng ca khúc chỉ mới là phần dễ nhất mà chúng ta đã hấp thụ được từ âm nhạc Tây phương. Dùng ký âm pháp Tây phương để diễn đạt tâm tình và ngôn ngữ vốn có của mình thì chắc không chỉ riêng chúng ta mà tất cả các nước Á Đông khác cũng thành công mau chóng như Việt Nam. Bây giờ đi du lịch Trung Hoa, Thái Lan, Mã Lai, Indonesia chẳng hạn, chúng ta vẫn thường được nghe những bản nhạc bản xứ na ná như của chúng ta, nghĩa là theo các điệu thông dụng boléro, tango, valse, rumba v.v..., dĩ nhiên với sắc thái riêng của mỗi dân tộc. Thế thì cái gọi là ca khúc tân nhạc ấy quả là một sản phẩm Tây phương đã được địa phương hóa một cách gần như hoàn toàn, đến độ người ta có thể nghĩ đó chính là nhạc của quốc gia họ, không cần biết đến nguồn gốc nhạc lý và phương pháp nguyên thủy từ đâu đến.

Nhưng đó là con đường dễ, hợp với khiếu thưởng ngoạn của đại chúng, Đông phương hay Tây phương đều như thế. Nhạc Tây phương có những con đường khó hơn, là nhạc không lời. Ca khúc thì dùng điệu nhạc và lời ca, phù hợp với sở thích ca hát của mọi người trên trái đất nên dễ được mọi người đón nhận. Khi tiến đến nhạc không lời thì bắt đầu đi vào một miền u viễn của một thế giới khác hẳn, mà sự sáng tác, trình tấu và thưởng thức phải theo những luật tắc khó khăn và nghiêm nhặt hơn. Chỉ với âm thanh, người ta sáng tác ra những nhạc khúc diễn tả mọi tình huống của thiên nhiên, của xã hội, của tình cảm và cả tư tưởng của con người. Để diễn đạt một nội dung quá phong phú như thế, người ta cần phải có nhiều nhạc cụ khác nhau thể hiện nhiều loại âm thanh khác nhau, cùng trình tấu dưới một sự chỉ huy chung, thường gọi là giàn nhạc đại hòa tấu.

Nhạc sĩ Lê Văn Khoa sau một thời gian dài sáng tác ca khúc, đã đi vào sáng tác nhạc không lời, từ hình thức tiểu khúc đến bản giao hưởng. Cách đây hơn mười năm, vào năm 1995 kỷ niệm 20 năm mất miền Nam, ông đã cho ta đời bản Symphony 1975. Bản này với sự trình bày tuyệt hay của dàn nhạc Ukraine, đã chính thức ra mắt dưới dạng đĩa CD cách đây hai năm, 2005, đã được nhiều người phát biểu nhiều ý kiến mến mộ, hầu hết xem đây là một thiên anh hùng ca về số phận lịch sử của dân chúng miền Nam Việt Nam. Bản giao hưởng ấy đã đưa tình cảm và cái nhìn từ một tầm khái quát cao về đời sống thanh bình của miền Nam, về cuộc chiến được phát động của đệ tam quốc tế cộng sản, về sự tự vệ oai hùng của quân dân miền Nam, và về sự vượt thoát bi tráng của mấy triệu con dân Việt Nam đi tìm tự do. Tóm lại, là một trang sử bằng âm nhạc, trong đó tác giả phải giữ tư thế của một sử gia, ghi lại những nét đặc thù nhất của sự kiện bằng một cái nhìn và những nét nhạc bao quát sắc sảo.

Nhưng năm nay, khi nhạc sĩ Lê Văn Khoa phát hành đĩa nhạc không lời có tên Memories thì giới thưởng ngoạn có một cảm tưởng khác hẳn đĩa Giao hưởng ra đời hai năm trước đây. Cũng được chơi bởi Kyiv Symphony Orchestra với một số nhạc sĩ độc tấu piano, violin, cello tài năng của xứ Ukraine, đĩa nhạc này gồm mười bài tấu khúc hoàn toàn êm dịu, hoàn toàn cá nhân với nhiều nỗi niềm sâu lắng, khiến cho một thân hữu đã nhận xét rất đúng rằng nếu gọi bản Giao hưởng 1975 là chồng thì Memories là vợ, Giao hưởng 1975 là dương thì Memories là âm. Thật ra đó là hai mặt của một đồng tiền, của một chủ thể, là nhạc sĩ Lê Văn Khoa.

Vậy nhạc sĩ Lê Văn Khoa đã thể hiện những gì trong đĩa nhạc Memories của ông? Một cách tổng quát, đĩa nhạc này bao gồm các bản nhạc diễn tả những tình cảm riêng tư sâu lắng của nhạc sĩ, được viết theo thể loại nhạc không lời của Tây phương. Tùy theo tính chất tình cảm của mỗi bài, bản nhạc sẽ được độc tấu bằng dương cầm, vĩ cầm, trung hồ cầm hoặc sáo, một số bài có giàn nhạc đi theo. Thoạt tiên người nghe sẽ bị chinh phục ngay bởi các tay độc tấu vô cùng xuất sắc bất kể là loại nhạc cụ nào, chẳng hạn bị cuốn hút đầy náo nức bởi những chuỗi âm thanh dương cầm điêu luyện, hoặc tâm hồn rung động với tiếng violon dìu dặt réo rắt, hoặc có cảm giác chìm lắng trong tiếng cello não nuột có lúc như kéo ta xuống tận vực sâu... Phải nói là nhạc sĩ Lê Văn Khoa đã may mắn tìm được những viên ngọc quý để trình tấu các bản nhạc của mình, tôi nghĩ những tiếng đàn như thế trên thế giới không nhiều, vì mỗi nước chỉ có được một số ít những kẻ ưu tú đến như thế thôi.

Nhưng tài năng trình diễn dù cao cách mấy mà không có một nội dung tương xứng thì cũng không thể hiện được gì, và nội dung ở đây là do nhạc sĩ Lê Văn Khoa viết ra. Theo nhận xét của tôi, mười bản nhạc trong đĩa này dù đều là sản phẩm của tâm hồn và trí tuệ của nhạc sĩ Lê Văn Khoa, có thể tạm chia làm hai loại. Loại thứ nhất được viết hoàn toàn theo ý tưởng và bút pháp tây phương, như các bài Nocturne, Romance, Memory v.v... loại còn lại được viết và phát triển dựa trên âm hưởng của dân nhạc Việt Nam.

Hãy nghe bài Lý Ngựa Ô, có tên tiếng Anh trong đĩa này là Song of the Black Horse. Một bài dân ca miền Nam rất quen thuộc với tất cả chúng ta, nếu chúng ta được nghe hát, hoặc chơi nhạc một cách chân phương như vẫn thường nghe thì thấy đây là một bài hát vui tươi, ngộ nghĩnh, và chỉ có thế thôi, như bao bài dân ca quen thuộc khác. Nhưng khi vào tay Lê Văn Khoa thì ta có một Lý Ngựa Ô khác hẳn, hai cầm thủ song tấu với nhau trên một cây đàn piano nghe như một rừng âm thanh rào rạt, cuống quít đuổi bắt nhau, và những biến tấu cùng hòa âm duyên dáng và sâu thẳm tình tự quê hương của tác giả có tác dụng rất thần kỳ là như dựng lại cả một bầu không khí văn hóa lạc quan, dí dỏm một thời của Nam Kỳ Lục Tỉnh.

(Nhạc Lý Ngựa Ô, phân nửa sau của bài nhac) 0:42

Tôi nghĩ đây là một ví dụ điển hình và dễ hiểu nhất về vai trò của âm nhạc không lời, từ một ý nhạc đơn sơ của dân tộc đã có thể đi rất xa, để người nghe có thể cảm và thấu hiểu tâm hồn của chính dân tộc mình một cách đa dạng và sâu sắc hơn.

Cũng trong dạng song tấu dương cầm, bài On the Way Home - Trên Đường Về - cũng dễ dàng lôi kéo chúng ta làm nhớ lại một kinh nghiệm có lẽ ai cũng đã trải qua trong đời. Ai trong chúng ta lại không có lúc trải qua những giây phút bồi hồi của một chuyến trở về nhà? Hoặc là ngày còn nhỏ từ làng quê chúng ta được gởi ra tỉnh đi học, mỗi lần nghỉ tết, nghỉ hè được trở về quê lòng ta như thế nào? Có phải

Chờ đêm nay, sáng sớm bước lên tàu
Ăn chẳng được, lòng nôn nao khó ngủ
như nhà thơ Thâm Tâm đã viết không?

Hoặc người lính khi tàn cuộc chiến lê tấm thân tàn phế về làng quê, thì cũng là trên đường về, nhưng nỗi lòng hẳn phải khác với cậu học sinh về quê nghỉ hè trong thời thanh bình sung sướng. Phạm Duy đã tả hình ảnh ấy như sau:
Ngày trở về anh bước lê trên quãng đường đê đến bên lũy tre

Nắng vàng hoe, vườn rau trước hè chào đón người về

Hoặc là người tù tội bị phát vãn đến chốn rừng thiêng nước độc trong nhiều năm, đến ngày được tha về. Hoặc là đi làm ăn nơi xứ xa lâu lắm mới có dịp về lại quê hương... Có biết bao là tình huống của sự trở về, mỗi người khi bước chân trên đường về nhà lại mang trong lòng một tâm trạng, thường là vui mừng rạng rỡ, lắm khi thương nhớ bồi hồi, và cũng có cả nỗi đắng cay tủi nhục. Về nhà là tìm về nơi êm ấm nhất của mỗi người, nơi mình đã được sinh ra, được nuôi dưỡng lớn lên với tình thương yêu của cha mẹ ông bà, của làng nước xóm giềng, của bờ tre gốc lúa. Về nhà là tìm về nơi an trú sau những sóng gió bầm dập của cuộc đời. Về nhà là tìm về tình yêu đã cùng mình gắn bó để xây cuộc hạnh phúc... Tâm trạng của kẻ về nhà có thể là loại tâm trạng phức tạp và phong phú vào hạng nhất của con người ở bất cứ thời nào, nơi nào. Và ở đây nhạc sĩ Lê Văn Khoa đã chọn đề tài này để diễn đạt bằng âm nhạc, và tôi cho rằng ông đã tạo ra một khúc nhạc tầm cỡ để nếu không diễn đạt hết được thì cũng là những nét chính yếu nhất của tâm trạng của kẻ đang bước chân trên con đường về. Thoạt đầu là những câu nhạc rối rít, như là những bước chân vội vội mau mau của một kẻ đang nôn nóng. Cái rối rít ấy diễn tả bước chân hay là cõi lòng? Chắc là cả hai, vì trong lòng nôn nả chừng nào thì bước chân càng vội vàng chừng nấy. Quả thật khi nghe đoạn nhạc mở đầu ấy tôi không thể không nhớ đến tâm trạng –và cả đôi chân nhỏ bé của tôi nữa- thời xưa còn nhỏ khi từ tỉnh về nhà ăn Tết. Sao mà nôn nao, hối hả thế. Và sao mà ông Lê Văn Khoa lại tài tình viết ra chuỗi âm thanh cũng nôn nao hối hả không kém lòng tôi thuở ấy thế!

(On the Way Home, phần đầu) 0:30

Nhưng tôi nghĩ chuỗi âm thanh ấy không phải dành riêng cho tôi đâu, bất kỳ người Việt hay người Mỹ người Tàu, hay bất cứ người xứ nào, ai nghe thấy nó cũng đều thấy mình trong đó, vì nó chính là sự tái hiện cả bước chân và nỗi lòng của một kẻ đang nôn nóng về với mái nhà êm ấm của mình.

Nhưng sau đoạn nhạc cuống quít ấy lại đến một đoạn chậm hẳn lại, mọi sự như trùng hẳn xuống, từng tiếng rơi rơi, như ngập ngừng, như thổn thức, thậm chí có lúc như một nỗi e ngại, hay một ý chí rã rời. Đây là chỗ tôi cho là phức tạp nhất của bản nhạc này. Niềm vui thì không giấu được, nó đơn giản một cách hồn nhiên. Nhưng khi tâm hồn “khựng lại” mới là lúc mở ra bao điều rắc rối, sự hào hứng đã qua đi, và lòng đối diện với biết bao là nỗi niềm. Xa xa kia là lũy tre làng, kẻ đi đã cách xa bao năm tháng, nay về đến đây sao khỏi dâng lên một cơn cảm xúc nghẹn ngào? Cũng có thể kẻ về mà lòng đầy hồi hộp, làng ta kia, nhưng liệu nhà có còn không, hay đã tan hoang trong cơn khói lửa? Người thân yêu ra sao? Làm sao kể hết những tâm trạng có thể có của một kẻ đang trên đường về nhà, On the Way Home? Sở dĩ tôi nhắc thêm tên tiếng Anh On the Way Home là vì tôi muốn nhấn mạnh tính chất phổ quát của tình cảm này, là chung của nhân loại. Khi nhà càng là tổ ấm thì tình cảm đối với nó càng tha thiết và càng đa dạng. Và tôi càng lấy làm lạ sao Lê Văn Khoa lại chọn một đề tài mới ngó thì đơn giản, mà thực chất lại lớn lao đến thế.

(On the Way Home, phần cuối) 1:10

Xin đi qua một bản nhạc khác. Tôi đã bị chìm ngập trong một cảm giác rất lạ lùng khi nghe bài Dưới Ánh Trăng, In the Moonlight. Tôi đã nghe gì? Tôi nghe tiếng sáo, mang âm điệu trầm trầm buồn buồn cũng của dân nhạc miền Nam, những âm điệu của những người rời xứ sở miền Bắc miền Trung đến lập nghiệp trên vùng đất mới, xa cội xa nguồn, một nét buồn còn đọng mãi trong âm nhạc miền Nam sau này, bên cạnh niềm lạc quan yêu đời là một nét khác của tâm hồn người dân đồng bằng sông Cửu Long. Tôi nghĩ cái ánh trăng mà tác giả tả ở đây không phải là ánh trăng cụ thể của một đêm trăng nào ở xứ Hoa Kỳ này, mà chính là ánh trăng nằm sâu trong tâm tưởng của tác giả, ánh trăng quê nhà ngày xưa. Tiếng sáo mà tác giả thể hiện ở đây mang âm hưởng của gió chiều rì rào trên những cánh đồng lúa chín, của tiếng mẹ ru hòa cùng tiếng võng đưa kẽo kẹt, của tiếng sóng vỗ trên sông Tiền sông Hậu... Âm thanh trầm buồn của tiếng sáo gợi ra hết hình ảnh của đêm trăng sáng của một thời nào, giờ đây kết tinh thành âm nhạc đưa ta trở về đắm mình trong một ánh trăng không bao giờ còn nữa.

(In the Moonlight, phần cuối) 2:00, từ phút 4:31

Bài số 10 của đĩa nhạc có tên là Memory là một khúc viết theo bút pháp tây phương, dù dĩ nhiên tác giả cũng không giấu được tâm hồn Việt Nam của mình trong đó. Memory là ký ức, nhưng với bản nhạc này tôi xin mạn phép tác giả dịch sang tiếng Việt là Nỗi Nhớ, vì tôi thấy cách gọi này mang nhiều nội dung của bản nhạc hơn. Vì cả bản nhạc là một nỗi nhớ dài với tiếng cello lả lướt trầm buồn được vây giữa rừng âm thanh của cả ban nhạc đại hòa tấu. “Nhớ” là một trạng thái đặc biệt của tâm lý con người, đã “hành hạ” con người đến quay quắt, nên đã được nói đến nhiều trong văn học. Những gì ta đã trải qua trong quá khứ, nhất là những giây phút êm đềm đẹp đẽ, bỗng quay về trong ký ức, và khiến cho ta lao đao. Trong ca dao, một tác giả vô danh đã diễn tả nỗi nhớ một cách trực tiếp như sau:
Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ
Nhớ ai ai nhớ bây giờ nhớ ai

Nguyễn Công Trứ, nhà nho đa tài đa tình của chúng ta cũng đã trải qua những cơn nhớ bí ẩn làm ông khổ sở
Giống ở đâu vô ảnh vô hình
Khiến ngẩn ngẩn ngơ ngơ đủ lối

Trong thời đại của chúng ta, Trịnh Công Sơn tả nỗi nhớ trong bài Tình Nhớ rất tài tình:
Tình ngỡ đã quên đi, ai ngờ bỗng lại về
Người ngỡ đã đi xa ai ngờ vẫn quanh đây
Ôi áo xưa lồng lộng đã xô giạt trời chiều
Như một con nước rộng xóa một ngày đìu hiu...

(Tình Nhớ, 4 câu) 0:25

Như vậy cái tình cảm nhớ chính là ký ức quay về với chúng ta, và đánh động tâm tư ta một cách nào đấy. Cả ba ví dụ vừa dẫn đều là nỗi nhớ người yêu, một loại nhớ nhung phổ biến nhất và vào hàng mạnh mẽ nhất của con người. Nhưng khi nghe những câu nhạc không lời trong Memory của Lê Văn Khoa thì chúng ta thấy rõ là tác giả diễn tả một nỗi nhớ, dìu dặt, thiết tha, nhưng đối tượng là gì thì không dễ gì biết ngay được. Nếu nói như Trịnh Công Sơn “Ôi áo xưa lồng lộng đã xô giạt trời chiều” thì ta biết ngay tác giả nhớ ai dù tà áo bay trong gió chỉ là một hình tượng gián tiếp, nhưng trong thế giới âm thanh của Lê Văn Khoa thì không có gì để khẳng định dễ dàng như vậy. Nhưng Memory là một bản nhạc rất mê hồn, tôi đã nghe đi nghe lại nhiều lần, và tôi bỗng cảm nhận ra đối tượng nhớ của Lê Văn Khoa, một cảm nhận tất nhiên là rất chủ quan, nhưng cũng xin trình bày ra đây ý của tôi về nỗi nhớ ấy, nếu có sai thì cũng xin tác giả và quý vị tha lỗi.

Những dòng âm thanh miên man của cello đưa người nghe đi vào những cõi miền rất sâu của tâm thức, và đến một lúc nào đấy chính tâm thức của ta bỗng nhận ra rằng những nỗi niềm ấy cũng đã có sẵn trong lòng mình. Dòng nhạc thiết tha trầm lắng đó đã đánh động và làm bùng vỡ người nghe. À, thì ra đây là nỗi nhớ. Mình đã từng nhớ. Dòng nhạc này cũng chính là nỗi nhớ, nó mời mọc ta hòa nhập với nó. Mình đã từng nhớ người yêu, và chính ông Lê Văn Khoa chắc cũng thế, nhưng nỗi nhớ đang gọi ra đây không có vẻ gì là riêng tư, nó vừa sâu lắng lại vừa rộng rãi, có vẻ bao gồm nhiều thứ, khi sâu thì nó sâu không đáy như tấm lòng người mẹ, khi rộng thì nó mênh mông như cánh đồng cò bay thẳng cánh, khi cao thì như chí cả của một đấng anh hùng trong lịch sử. Sao gởi gắm nhiều thứ thế? Trong đó như có cả một quê hương, có cả một dòng giống, có cả tập tục cổ xưa, có cả thuần phong mỹ tục một thuở... một dân tộc, một nền văn hóa, một nếp văn minh đã thành nỗi nhớ, đã thuộc về quá khứ nhưng vẫn là nỗi ám ảnh không rời con người xa xứ, và đối với người nghệ sĩ thì nỗi khắc khoải càng trầm trọng gấp bội người thường. À, thì ra đây là ký ức tập thể –mémoire collective- của tất cả chúng ta, đã được cho chảy theo nhạc điệu nhớ nhung triền miên, những dòng cello quái ác uốn lượn được rừng âm thanh của đủ loại nhạc cụ nâng lên, nâng lên mãi...

(Memory Phần giữa đến cuối) 2:00 từ phút thứ 3:27

Nhưng như một quy luật, nhớ về quá khứ cũng chính là mơ ước tới tương lai, mong cho tương lai cũng được đẹp tươi như quá khứ. Ít ra đó cũng là tâm tư của những người bỏ xứ đi tị nạn. Nhưng tôi cũng có cảm tưởng cái dòng sông bí ẩn của Memory còn chất chứa nhiều điều, nhiều nét vi diệu của tâm hồn nghệ sĩ mà cái nắm bắt của “người phàm” như chúng tôi không thể nào với tới toàn vẹn được.

Đĩa nhạc này có tên là Memories, ngụ ý tất cả các bài trong đó ít nhiều đều là nỗi nhớ. Có người đã nói người nghệ sĩ phải rời xa quê hương thì như cái cây bị bứng ra khỏi đất, nguồn cảm hứng bị cạn giống như các rễ cây không còn được hút dưỡng chất từ vùng đất nguyên thủy. Cho dù nhận xét này có đúng, thì vẫn còn một ngoại lệ, đó là, người nghệ sĩ xa xứ vẫn còn một nguồn dưỡng chất phong phú là các ký ức của mình. Trường hợp này rõ ràng đúng cho Lê Văn Khoa, chỉ với ký ức về một thiên đường đã mất, ông đã làm rung động biết bao tấm lòng, không những chỉ những người đồng bào cùng hoàn cảnh với ông, mà còn bè bạn xa gần trên thế giới. Âm nhạc có khả năng chuyển tải ấy, như phát biểu của cô Svyatoslava Semchuk, giáo sư vĩ cầm của Nhạc viện Quốc gia National Tchaikowsky tại Kyiv:

“Nhạc là cho mọi người. Nó chỉ có thể tinh tuyền hay không mà thôi. Soạn nhạc gia Lê Văn Khoa đã phong phú hóa nhạc thế giới với tác phẩm siêu đẳng, đầy nhân bản, ý tưởng tươi mát và tình yêu nồng ấm đối với dân tộc của ông.”

Xin phép dùng nhận xét này để làm câu kết cho bài nói chuyện hôm nay.

I was glad to meet Mr.Khoa Van Le and to play his music highly emotional and truly romantic music. I belived that a composer who had lost his roots and musical traditions of his nation world inevitoly lose the desire to compose and and to create.It was only his motherland that could give him spiritual strenght and be a pure source of inspiration. Mister Khoa Van Le has enriched world music with superior works full of humanism, original imagery and warm love for his people. (Svyatoslava Semchuk)

Phạm Phú Minh



Cảm nghĩ sau khi nghe CD « Memories », sáng tác và hòa âm của nhạc sĩ Lê Văn Khoa

Trần Quang Hải

Sau khi nghe 10 nhạc phẩm của nhạc sĩ Lê Văn Khoa trong CD “Memơries”, điều tôi nhận thấy đầu tiên là phần hòa âm chịu nhiều ảnh hưởng nhạc cổ điển Tây phương. Cách soạn hòa âm nhẹ nhàng, êm ả, tạo cho người nghe một cảm giác buồn lâng lâng, buồn man mác, buồn xa vắng, thả hồn theo dòng nhạc êm tai như đưa vào cõi mộng du dương của thời lãng mạn.

Có 7 bài dựa trên âm giai thứ (ton mineur) (bài 1 tới bài 6 và bài 9), ba bài kia ( 7, 8 và 10) được viết theo âm giai trưởng (ton majeur).

Nhạc theo âm hưởng nhạc cổ truyền miền Nam trên hai âm giai ngũ cung (re – fa – sol – la – do – re và re – fa – sol – la – si – re) dưới hình thức chuyển hệ (métabole) qua tiếng đàn dương cầm độc tấu (bài 3).

Một bài theo âm giai ngũ cung dây Vọng cổ miền Nam viết cho dàn nhạc (bài 9) cung thứ nhưng được chuyển từ thang âm ngũ cung (re – fa – sol – la – si – re) sang một biến thể ngũ cung (re – fa# - sol – la – si – re) tạo nên một nền nhạc miền quê miền Nam Việt Nam đôi khi có pha lẫn một vài đoạn ngắn với mùi hương tây phuơng với sự hiện diện của những nốt nhạc “ghé ngang “ (notes de passages).

Bài “Lý Ngựa Ô” cho dương cầm song tấu (bài 7) tiết tấu nhanh, nhịp ngoại nhiều, màu sắc tươi thắm, vui vẻ, thanh thoát với phần hòa âm khởi sắc, lồng trong giai điệu ngũ cung dây Bắc biểu tượng cho sự vui, hạp với cung trưởng Tây phương. Có 5 bài soạn cho dương cầm giữ phần chánh (bài 1, 3, 5, 6, 7), 2 bài cho vĩ cầm (violon) chánh (bài 2, 8), 1 bài cho trung hồ cầm (violoncelle) (bài 4), và 2 bài cho dàn nhạc (orchestre) (bài 9 và 10).

Những nhạc phẩm phần nhiều chịu ảnh hưởng nhạc cổ điển Tây phương thế kỷ 19 (giai đoạn nhạc lãng mạn – musique romantique). Nhạc sĩ Lê Văn Khoa đã cố gắng thực hiện một loại nhạc để nghe, một loại nhạc không lời hạp cho những ai muốn nghe nhạc để được khuây khỏa, có thể dùng nhạc này để làm bớt căng thẳng thần kinh (dùng trong âm nhạc điều trị học), một đóng góp không nhỏ trong vườn nhạc Việt Nam .

Xin vui mừng giới thiệu CD “Memories” của nhạc sĩ Lê Văn Khoa với các bạn yêu nhạc.

Trần Quang Hải
Nghiên cứu dân tộc nhạc học gia (Ethnomusicologist)
Nhà viết nhạc (Composer)
Nhạc sĩ (Musician)
12 rue Gutenberg
94450 LIMEIL BREVANNES
France
Trang nhà : http://tranquanghai.info



Một thoáng suy tư ...

Chân Dung Mới của Nhạc Sĩ Lê Văn Khoa ...
Nhân nghe CD nhạc Memories của ông

phammanhtien07

... Người nghệ sĩ vẫn thường mang theo mình những minh họa, những hình ảnh, những mẩu chuyện của mình, của đời,... để rồi có một lúc nào đó, với bàn tay phù thủy, họ phóng bút, phóng mầu, phóng cọ, xuất thần ghi lại thành những nét vẽ, những nốt nhạc đầy mầu sắc. Những âm thanh trầm bổng, những nét vẽ mạnh nhẹ, ray rứt, vui buồn, ngập ngừng, nghẹn ngào, liên tuc, xuôi chảy ... họ sáng tạo thành một bức tranh, thành những câu chuyện kể làm rung động, xao xuyến tâm hồn người thưởng ngoạn. Những vấn vương, những bâng khuâng, những mộng mơ, trong từng nốt nhạc, trong từng nét vẽ ấy đã để lại những cảm nhận riêng tư... những tác phẩm bất tử với thời gian .

Sáng tạo điều mới lạ trong tác phẩm của mình vẫn mãi mãi là ước muốn của người nghệ sĩ. Picasso với khả năng sáng tạo phong phú, ông đã không ngừng thay đổi, đem nhiều điều mới lạ vào trong tác phẩm của mình: ông khởi đầu bằØng những bút vẽ căn bản truyền thống theo đúng sách vở như muôn ngàn nghệ sĩ khác nhưng rồi với khả năng sáng tạo của ông, ông đã đưa dẫn người thưởng ngoạn qua nhiều giai đoạn mới trong cuộc đời nghệ sĩ của ông: thời kỳ “xanh” (Blue period), thời kỳ “hồng”(Pink period) và sau cùng là thời kỳ ông tạo lập trường phái tranh lập thể (Cubism)...

Trong các văn nhân của người Việt, trên phương diện khả năng sáng tạo nghệ thuật, theo sự nhận xét của tôi, ông Lê Văn Khoa vẫn thường cho tôi một ấn tượng: ông là hình ảnh của một Picasso Việt Nam.... Trên nhiều lãnh vực nghệ thuật ông không ngừng đi tìm kiếm những điều mới lạ cho những tác phẩm của mình, trong nghệ thuật nhiếp ảnh cũng như trong âm nhạc. Những tình khúc lãng mạn không lời gần đây nhất của nhạc sĩ Lê Văn Khoa đem lại cho người nghe những âm hưởng, những hình ảnh mới... Những nốt nhạc, những âm thanh này đã tạo cho ông một chân dung mới trong nghệ thuật âm nhạc của ông.

Nhạc sĩ LVK đang dùng những mầu sắc, những nét vẽ mới, một chữ ký mới, một giai đoạn mới trong tiến trình sáng tạo, ghi nhận những cảm xúc của ông bằng âm nhạc. Tôi cảm thấy ở đây hình như có một sự chuyển tiếp thay đổi từ những hình ảnh quê hương thường thấy trong những sáng tác ngày xưa của ông qua đến những hình ảnh cá nhân, những tâm sự riêng tư.

Những âm thanh sáo diều êm đềm, thanh bình, đậm sắc quê hương đang được thay đổi bằng những tiếng vĩ cầm ray rứt, tiếng hồ cầm buồn thảm, của những tâm sự riêng tư, hay những tiếng dương cầm đầy mầu sắc, thánh thót, buông thả, mạnh bạo như trong những nhạc bản của thời kỳ nhạc cổ điển, lãng mạn Tây phuơng. Sự chuyển hướng 180 độ này sẽ tạo cho người nghe âm nhạc cổ điển yêu thích nhạc của ông ngay. Những âm thanh lãng mạn quen thuộc này sẽ được mọi người thuộc mọi trình độ thưởng thức đón nhận ...

Ở đây người thưởng ngoạn tưởng như đang được nghe những “Nocturne”, như “Moonlight Sonata” bất tử.

Ở đây người thưởng ngoạn sẽ không còn thấy những âm thanh xưa cũ của Lê Văn Khoa mà là những nốt nhạc vượt thời gian của các danh tài quốc tế.

Nghe để rồi chìm đắêm không còn biết những âm thanh ấy là của nhạc sĩ Lê Văn Khoa hay của các danh sư âm nhạc Tây Phương ...

Nghe để rồi buông thả tự do cho những bước chân lãng mạn của tâm hồn mình lang thang không định hướng.

Nghe để rồi những cảm xúc riêng tư tràn dâng về cõi mơ, về những ngày tháng yêu thương xa xưa ...

Bên cạnh những dòng nhạc đầy cảm xúc ấy người yêu âm nhạc sẽ còn được nghe các hành khúc mạnh bạo hơn, nhất là những nốt nhạc ấy được các nghệ sĩ đầy khả năng của dàn nhạc giao hưởng “Kiev Symphony Orchestra and Chorus” trình tấu ...

Tấu khúc đầu tiên bày tõ tâm trạng u buồn cho một sự chia cách ra đi bất ngờ... tấu khúc cuối cùng diễn tả nỗi lòng của người ở lại với những nốt nhạc trầm buồn, lãng mạn trữ tình mà người thưởng ngọan có thể được nghe cùng một lúc những lời tâm tình ấy do chính ông và phu nhân của ông viết soạn trước đây. Người viết xin ghi lại lời ca cho tấu khúc cuối cùng này: “Ngày Mai Chia Tay” để những cảm xúc của người nghe sẽ được vơi đầy theo ý nhạc của bài Memory ...

“... Ngày mai ta chia tay nhau
thì đôi ngã đường
dòng đời ngăn cách rồi
lòng nuối tiếc
những giây phút sống gần nhau

Ngày mai khi ta xa nhau
mặc trời nắng tươi
hoặc nhẹ êm gió thu
dù có ánh trăng qua song thưa
đâu còn nghĩa gì.

Ngày mai ngâm câu chia phôi
còn đâu tiếng cười
còn tìm đâu dáng người
nhìn phượng vỹ sắc thắm
sầu nhớ kiếp nào nguôi

Ngàn sao lung linh trên cao
làm tôi vấn vương
tràn ngập trong tiếc thương
hình bóng nhớ nhung trong tâm tư
môi hồng còn đâu.

“ Ôi ngày vui sao chóng tàn
thời gian sao đang tâm
đem xóa mờ tuổi xanh
Ngàn gió khiến hoa xuân lìa cành
và mắt biếc ... ngày xưa
Dệt bao nhiêu mộng ước
Giờ héo hắt từng bước
làm tim tôi nức nở nghẹn ngào “

Ngày mai ta chia tay nhau
đời như bóng chiều
lòng còn chua xót nhiều
dù ráo nước mắt
vì quyến luyến tình xưa

Người đi vui xây tương lai
một chiều nắng phai
nhạc lòng thôi đắm say
đành cố điểm trang cho dư âm:
ta luôn còn nhau ...”

Với những lời tâm sự dù “ Ngày mai ngâm câu chia phôi”, dù “nhạc lòng thôi đắm say”, dù “dòng đời ngăn cách” đôi đường “Ta luôn còn nhau” ... sẽ mãi mãi đeo đuổi để những “dư âm điểm trang” cho cả một đời người nghệ sĩ ... và để rồi những nốt nhạc ấy diễn tả những tâm tình ấy bộc phát bất tử với thời gian ... Đây là một chân dung mới, một chân dung thật lãng mạn của nhạc sĩ Lê Văn Khoa qua những tấu khúc vớùi những âm hưởng bất tử của dòng nhạc cổ điển.

Sáng tác hay, trình diễn giỏi và trình độ thưởng thức cao, màu sắc của ba giai đoạn lại được thêm một lần tô vẽ, một sự cộng hưởng, một sự sáng tạo trọn vẹn cần thiết cho một tác phẩm để đời.

Nghệ thuật sáng tạo không hẳn chỉ là sự diễn tả, bày tỏ của trí tưởng tượng, mà đôi khi chỉ có những kinh nghiệm sống thực của người nghệ sĩ mới có thể đem lại cho người thưởng ngoạn một sự rung động không bến bờ. Với bao năm tháng, tuổi đời chồng chất trên đôi vai, những dòng nhạc đã từ lâu lưu giữ được tự do tuôn chảy ra như dòng nước, thật tự nhiên, thật nhẹ nhàng... Khả năng sáng tạo có lẽ chẳng bao giờ bị giới hạn bởi tuổi tác của tâm hồn ông mà chỉ bị giới hạn bởi năm tháng của một đời người.

Người viết xin ghi nhận lại đôi cảm nghĩ về dòng nhạc mới của nhạc sĩ Lê Văn Khoa và xin được chúc mừng nhạc sĩ tiếp tục thành công trên con đường sáng tạo ...

Đây hẵn nhiên là một chữ ký mới, một chân dung mới của nhạc sĩ Lê Văn Khoa.

Trước khi dừng bút người viết xin được cảm ơn nhạc sĩ Lê Văn Khoa thêm một lần nữa đã đóng góp những bông hoa mới cho nghệ thuật âm nhạc Việt Nam.

phammanhtien07





Ý Kiến Đóng Góp



Thực hiện và kỹ thuật: Lê Duy & Đan Thi



Free Web Template Provided by A Free Web Template.com